Scandinavian Style - Phong cách Bắc Âu đã vô cùng quen thuộc trong lĩnh vực thiết kế và cả đời sống. Đặc biệt, thiết kế nội thất là lĩnh vực khai thác và sử dụng phong cách Scandinavian phổ biến nhất. Cùng nhà Lym tìm hiểu về phong cách Scandinavian nhé!
Phong cách Scandinavian là gì?
Scandinavian hay phong cách Bắc Âu là xu hướng giúp cân bằng giữa vẻ đẹp và sự tiện dụng; tập trung vào các yếu tố đơn giản, sự tối giản với các chức năng riêng biệt. Phong cách thiết kế Scandinavian và trang trí nội thất theo kiểu “Hygge” đã trở nên phổ biến khắp thế giới với nguồn cảm hứng bất tận.
Scandinavian Style – Phong cách Bắc Âu khởi nguồn từ mong muốn được tự do, vượt qua những ngày mùa đông giá rét của người Bắc Âu. Phong cách Bắc Âu có tên gọi bắt nguồn từ vị trí địa lý – vùng đất Scandinavie. Đây là bán đảo xương sống của Bắc Âu, bao bọc bởi biển Baltic, biển Bắc, biển Na Uy của Đại Tây Dương và biển Barents của Bắc Băng Dương. Scandinavian – một từ nhưng thể hiện đủ chủ nghĩa sống của người Bắc Âu.
Hygge là gì? Hygge ( phát âm là hue-guh not hoo-gah) là một từ bắt nguồn từ tiếng Đan Mạch và Na Uy. Thuật ngữ Hygge diễn tả cho một phong cách sống, cảm giác thoải mái và ấm cúng. Hygge có nghĩa là vẻ đẹp nhẹ nhàng, ấm áp mang thêm cả sự êm dịu và hài lòng cho trái tim và cảm xúc của người theo đuổi phong cách Hygge.
Các bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về vẻ đẹp của Hugge có thể tìm hiểu và đọc cuốn sách: Cảm giác HYGGE – Về ánh sáng, sự ấm áp và những điều bí mật khác của tác giả Meik Wiking.
Scandinavian Style – Phong cách Bắc Âu đơn giản nhưng không đơn điệu. Khí hậu mùa Đông khắc nghiệt quanh năm của khu vực Bắc Âu đã ảnh hưởng đến Scandinavian, giúp đáp ứng được tính tiện ích nhiều hơn trong việc trang trí, nghĩa là, món đồ nội thất không chỉ dùng để trang trí mà còn có công năng hợp lí giúp giữ ấm cho ngôi nhà. Sự đơn giản sẽ tới một cách tự nhiên trong quá trình đó. Chủ nghĩa công năng cũng đã được đề cao trong phong trào nghệ thuật Bauhaus, tạo tác động lớn tới phong cách Scandinavian.
Đặc trưng phong cách Scandinavian
Ta có thể dễ dàng nhìn thấy phong cách Bắc Âu ưa chuộng tông mày trắng tinh khôi của tuyết, màu gỗ tự nhiên, màu của vật liệu da, đan len. Những tông màu này tạo sự thoáng đãng và rộng rãi, ngoài ra với việc kết hợp những màu sắc trung tính nhẹ nhàng của gỗ, da, lông thú, tạo cảm giác ấm áp cho không gian xung quanh.
Để bày trí một không gian theo phong cách Bắc Âu, ta cần chú ý những đặc trưng cơ bản như sau:
- Tường trắng – Sàn gỗ, một bộ đôi hoàn hảo. Điểm đặc trưng nổi bật nhất của phong cách Scandinavian là không gian bốn bức tường xung quang tông màu trắng kết hợp với sàn nhà gỗ, tạo cảm giác rộng rãi mà ấm cúng.
- Ánh sáng tự nhiên chiếu vào là vô cùng cần thiết để tạo nên không gian Scandinavian. Vì vậy, một không gian theo phong cách Scandinavian luôn phải có cửa sổ để ánh sáng len lỏi vào.
- Tông trung tính được điểm tô trong một số điểm nhấn của không gian trong nhà (bàn, ghế gỗ, vật trang trí bằng may tre, thảm len, cây xanh,…)
- Vật dùng và đồ trang trí không quá cầu kỳ, nhằm đề cao tính tinh tế và đơn giản trong thẩm mỹ.
- Thường thì những không gian Scandinavian ở Bắc Âu sẽ có lò sười là vật thiết yếu, tuy nhiên để phù hợp với những khu vực khác nhau, ta có thể sử dụng những vật dụng khác để tạo bầu không khí “Hygge” ấm cúng cho ngôi nhà của mình.
Phong cách Scandinavian trong thiết kế nội thất nói chung
Phong cách Scandinavian là phong cách có sự kết hợp cân bằng giữa ba yếu tố: vẻ đẹp – tối giản – chức năng tiện dụng. Hiện nay, phong cách này rất được ưa chuộng bởi sự giản dị, ấm áp, thông thoáng tạo cho không gian sống đầy sự thoải mái.
Vì phong cách Scandinavian đi theo chủ nghĩa tối giản, nên ta cần chú trọng tới tính tiện dụng và đơn giản trong cách sắp xếp nội thất. Những vật dụng nội thất đa năng sẽ được ưu tiên sử dụng nhiều hơn. Ta có thể bố trí ghế bành, sofa, ghế tựa dạng rời, kệ treo tường, tủ kệ dạng cao tầng… để tiết kiệm không gian, đồng thời chọn lựa những mẫu nội thất chất liệu thiên nhiên như bàn ghế mây, tre… góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp tinh tế, sáng tạo.
Phong cách Scandinavian trong thiết kế sản phẩm nói riêng
Thiết kế nội thất Scandinavian cần được bố trí theo các tỷ lệ phù hợp cho từng không gian nội thất và phong cách kèm theo. Đối với Scandinavian thì ta có thể dùng các chiếc ghế thuộc dòng Folding style wooden chair (những chiếc ghế khung làm bằng gỗ) hoặc các bộ sofa rộn, to làm điểm nhấn. Đấy là đặc trưng cơ bản của phong cách Scandinavian mà ta sẽ thường thấy trong các thiết kế không gian và căn hộ.
Tất cả các không gian trong ngôi nhà từ phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ, nơi làm việc đều có sự xuất hiện của những món đồ nội thất làm từ chất liệu tự nhiên như gỗ, may, tre,… hoặc những món đồ mang lại cảm giác ấm áp như gối (gối tựa trên ghế sofa), chăn đan len, vải da,… Đó cũng là những nét đặc trưng cơ bản để tạo nên không gian đậm chất Scandinavian.
Phong cách Scandinavian ở Việt Nam hay dùng loại gỗ tếch, lim, xoan,… vì chúng có nhiều ưu điểm thích hợp với khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới. Màu gỗ được sử dụng nhiều là màu trầm, nhằm hài hòa hơn khi kết hợp với màu trắng chủ đạo.
Ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong phong cách Scandinavian
Ánh sáng tự nhiên là yếu tố quan trọng trong tất cả các phong cách thiết kế nội thất. Riêng đối với phong cách Scandinavian thì đây là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Hầu hết các thiết kế nội thất mang phong cách Bắc Âu đều ưu tiên lấy ánh sáng tự nhiên bằng cách thiết kế các cửa sổ có kích thước lớn, rèm che màu trắng để lấy được nguồn sáng thiên nhiên nhiều nhất có thể. Ánh sáng tự nhiên tràn vào trong nhà qua các khung cửa kính lớn tạo không gian rộng rãi cho ngôi nhà.
Nhìn chung, Scandinavian Style – Phong cách Bắc Âu vô cùng phố biến và được ưa chuộng trong thiết kế nội thất. Đây không chỉ là vẻ đẹp riêng của vùng Bắc Âu, các nước Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển,…. mà Scandinavian còn được ưu ái hơn nữa trong sự lựa chọn của các nhà thiết kế nội thất để tạo nên những không gian kiến trúc tiện ích nhưng vẫn hòa mình với thiên nhiên.
Bạn cũng sẽ yêu thích và muốn biết nhiều hơn về Scandinavian khi bắt đầu tìm hiểu về phong cách này.
Nguồn tham khảo: