Trong lĩnh vực hay ngành nghề nào đều phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm lý , đặc biệt là kẻ thù của mọi loại công việc – STRESS. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một tinh thần tích cực hoặc biết tạo những điều mới mẻ xung quanh môi trường sống và làm việc thì stress không thể nào đánh bại được chúng ta. Ở đây, mình không muốn đưa ra những số liệu cụ thể về có bao nhiêu người ở nước ta stress vì công việc hay các câu chuyện về chuyên môn tâm lý, mình chỉ muốn tâm sự về việc mình có thể sống chung với stress như thế nào và “bạn ấy” và mình thật ra có hai cuộc đời khác nhau, tránh tạo điểm giao nhau và tồn tại theo “hai đường thẳng song song”.
Có vô số nguyên nhân dẫn đến stress trong công việc. Trong ngành thiết kế, nhân tố mạnh mẻ nhất tác động lên tinh thần thường là “cậu chàng” mang tên DEADLINE. Đây là nhân tố bất tử đối với các designer, người bạn ăn nằm với designer trong suốt chặn đường theo đuổi nghiệp sáng tạo. Mình yêu SÁNG TẠO nhưng DEADLINE lại cố chấp “crush” mình. Đó là một vòng tuần hoàn mà các designer phải tuân theo và vừa hay chính nó sản sinh ra STRESS. Designer phải luôn thức khuya để hoàn thành nốt bản thảo được giao, có khi là thức trắng nguyên đêm. Vì vậy, không quá bất ngờ khi những con người làm thiết kế, những người thường xuyên phải thức khuya, chạy theo deadline, vắt óc tạo ra ý tưởng, chịu đựng stress từ đủ thứ nguồn, là những người có nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý hơn cả. Có một sự thật đáng sợ là các designer luôn bị mặc định rằng đương nhiên phải miệt mài thức thâu đêm và luôn trong tâm thế sẵn sàng mở phần mềm ra và chỉnh sửa bản thiết kế. Chúng thường được nhắc đến trong những cuộc phỏng vấn công việc, tóm gọn bằng câu hỏi “Bạn có chịu đựng được áp lực cao không?”, và đại đa số chúng ta đều sẽ tự đóng mộc đồng ý qua một cái gật đầu.
Việc tự mình phải vượt qua được sự khủng hoảng ấy đòi hỏi mình phải có sự tự giác quan tâm đến sức khỏe tâm lý của bản thân nhiều hơn, đừng vì lao đầu vô các dự án mà để mình đổ bệnh, đến lúc đó cũng chẳng ai có thể giúp được chúng ta thoát khỏi “cô/cậu bạn” mang tên STRESS đấy đâu. Giải pháp của mình, mình đã tự thỏa hiệp với nó, đồng ý trở thành “bạn hàng xóm” với STRESS. Tuy nhiên, mình cũng phải tự đặt ra điều kiện để đôi bên không “xâm phạm quyền riêng tư” của nhau.
Bảng thỏa hiệp với “hàng xóm” mang tên STRESS:
5 điều “ĐỪNG”
1: ĐỪNG làm phiền khi tôi đang hẹn hò với anh DEADLINE. Stress sẽ ghé thăm nhà bạn khi bạn ôm vào mình quá nhiều việc cùng một lúc. Một ngày bạn có quá nhiều deadline phải hoàn thành, điều này sẽ làm bạn bị kiện quệ. Vì vậy, hãy “Say no” khi đã vượt quá giới hạn của bạn. Đừng quá cố gắng làm vừa lòng người khác khi bạn còn chẳng có để sức lực để ngăn cản “người hàng xóm” STRESS đến làm phiền bạn.
2: ĐỪNG quá bận tâm về những sai lầm nhỏ mà tôi đã mắc phải, vì nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến bạn đâu, STRESS à. Khi bạn đã làm sai một việc gì đó, nhưng không gây thiệt hại cho ai và không ai quan tâm đến điều đó thì bạn cũng đừng quá tự trách bản thân mình quá nhiều, vì dù gì mọi việc cũng đã qua rồi, hãy hoàn thành tốt việc trước mắt. Hãy biết tha thứ cho bản thân mình trước thì những người xung quanh cũng sẽ không than phiền gì về bạn chỉ vì một lỗi nhỏ không đáng bận tâm.
3: ĐỪNG tìm đến tôi vào lúc nửa đêm, vì tôi còn đang bận ngủ. Đúng là anh người yêu deadline rất quan trọng nhưng sức khỏe của bạn còn quan trọng hơn. Bạn nên biết như thể nào là giới hạn của bản thân, hãy ngủ đủ giấc. Nếu bạn sợ không đủ thời gian để làm việc, thì hãy đi ngủ sớm và thức sớm hơn để hoàn thành nốt công việc (ví dụ, bạn có thể chợp mắt vào 10 giờ tối, đặt báo thức vào 4h sáng để tiếp tục làm nhé)
4: ĐỪNG bận tâm đến tiểu tiết, hãy nhìn vào tổng thể thì chúng ta mới “sống hòa thuận” với nhau được. Trong cuộc sống cũng như trong thiết kế cũng vậy, bạn nên quan tâm đến bố cục tổng thể nhiều hơn, như vậy bạn mới không bị lầy quá sau để rồi bị trễ deadline. Nhưng như vậy không phải là bạn có thể bỏ qua hoàn toàn các chi tiết, bạn cần biết kiểm soát thiết kế như thế nào là đủ vì có khi một chi tiết có thể phá vỡ cả một bố cục đẹp.
5: ĐỪNG dành quá nhiều thời gian với nhau vì than phiền. Thay vì bạn cứ bận tâm đến những gì đã qua, lúc nào cũng than phiền về những lời góp ý không theo mong muốn của mình, để ý đến sự phán xét của người khác thì bạn hãy tập trung dành thời gian để hoàn thành tốt công việc được giao và làm hài lòng anh bạn DEADLINE của bạn nhé!
Bên trên là những điều mà mình đã thỏa hiệp với người “hàng xóm” mang tên STRESS của mình. Nếu như bạn không thể thoát được STRESS, thì hãy nghiêm túc suy nghĩ đến cách để sống và làm việc hòa thuận với “người bạn” khó chìu này nhé! Như vậy bạn sẽ giảm bớt được một gánh nặng tâm lý để tập trung hơn vào việc bước tiếp trên con đường sáng tạo mà mình đã chọn.