Việc tôi cảm thấy bản thân mình làm tốt nhất đó là nhận ra khuyết điểm của mình và tìm cách để thay đổi nó theo hướng tích cực hơn. tôi đã nhận ra một khuyết điểm có thể gây cản trở đến công việc của mình. Tôi không thể diễn tả cảm nhận và những điều mình muốn miêu tả thông qua văn viết. Nói lên chủ đề câu chuyện thì dễ nhưng viết ra rõ ràng và miêu tả về chủ đề đó thì vô cùng khó. Vì vậy, tôi đã thử tìm ra cách để cố gắng khắc phục khuyết điểm này của mình. Tôi đã bắt đầu tập viết lách hằng ngày. Nó là cả một quá trình đối với tôi. Việc vượt qua điểm yếu của bản thân không bao giờ là dễ dàng. Tôi đã vạch ra từng bước để mình có thể tiếp cận với việc viết ra những gì mình nghĩ một cách rành mạch nhất. Tất nhiên, tôi không muốn trở thành một nhà văn có thể viết giỏi. Những điều tôi muốn là được viết nên những cảm nhận của riêng mình về những gì mà tôi quan tâm.
Ba bước đầu tiên để có thể viết nên những điều mình nghĩ trong đầu một cách rành mạch và dễ hiểu hơn:
- Liệt kê những chủ đề hoặc những gì mà mình quan tâm đến, những điều mà mình muốn nêu quan điểm và đặt một topic chủ đề thật hay đối với mình.
- Đọc nhiều sách hơn, hãy đọc ít nhất 2 cuốn sách mỗi tuần. Phải biết lựa chọn những cuốn sách phù hợp với bản thân để tạo động lực cho chúng ta mỗi ngày.
- Tập viết nhật kí mỗi ngày. Đừng ngại viết ra những điều ta suy nghĩ và cảm nhận của mình về một ngày học tập/làm việc có hiệu quả.
Tôi bắt đầu quan tâm những sở thích cá nhân có thể giúp mình bộc lộ cảm xúc. Cảm xúc là một yếu tố rất quan trọng để mình có thể nắm bắt trọng điểm chủ đề mà mình muốn viết nên. Khi ta vui, lời văn sẽ mang hơi hướng tích cực và vui vẻ. Khi ta buồn, lời văn có thể là những tâm sự thầm kín mà ta muốn bộc bạch.
Sở thích cá nhân tạo cơ sở để truyền đạt cảm xúc không những cho viết lách mà còn tạo cảm hứng cho những việc khác:
- Tạo playlist những bản nhạc mà mình yêu thích.
- Đọc những bài viết về những chủ đề mình quan tâm của các tác giả ở nhiều lĩnh vực.
- Tạo Stories board cho công việc mỗi ngày. Stories board – một bản thảo, một bảng tóm tắt khái quát câu chuyện. Nó không những cần thiết trong thiết kế mà ta còn có thể vận dụng nó trong những việc hằng ngày khác.
- Đặt nhạc chuông điện thoại là bài hát mà mình thích.
- Viết lại những câu từ hay ho mà mình đã đọc được trong một cuốn sách hoặc ta thấy được ở trên mạng xã hội.
- Đọc lại những gì mình đã viết trong nhật kí mỗi ngày. Tôi rất thích đọc lại những gì mình viết, nó có thể giúp tôi nhận biết được cảm xúc thật sự của mình trong ngày hôm đó và tìm cách khắc phục những điểm yếu của mình trong lối hành văn.
Dạo gần đây, tôi đã cố gắng dành một chút thời gian mỗi ngày để viết ra suy nghĩ và những vấn đề mà mình yêu thích cũng như quan tâm đến. Tuy cách miêu tả còn mông lung và không rõ ràng, nhưng tôi vẫn muốn viết. Tôi muốn khắc phục khuyết điểm viết lách của mình qua việc cố gắng từng chút một mỗi ngày. Trước tiên, tôi đã không còn sợ phải viết nữa. Việc đánh chữ cũng trở nên thành thạo hơn. Tôi vẫn đang khắc phục khuyết điểm của mình mỗi ngày, không những là việc viết lách hàng văn, mà còn những điểm yếu khác cần phấn đấu để thay đổi.
Tôi vẫn đang tự nhắc nhở mình đừng quên việc hãy dành một chút thời gian nhìn nhận lại bản thân, xem lại những gì mình đã làm được và không làm được. Đôi khi ta nên dừng lại một bước để hiểu hơn về bản thân mình. Đây là một trong những cách để ta hoàn thiện bản thân mình hơn.