Đầu xuân, thư giãn và làm mới tâm hồn

Đầu xuân, thư giãn và làm mới tâm hồn

HAPPY NEW YEAR 2023!

Một năm mới lại đến, hãy gạt bỏ mọi âu lo và phiền muộn của năm cũ. Đầu xuân này, cùng nhà Lym thư giãn và đón chào những điều mới để chuẩn bị cho một năm 2023 tràn đầy năng lượng nhé! Let’s go!

Đọc gì là “chân ái” vào đầu xuân để tạo động lực và nâng tầm hiểu biết

Omoiyari – Nghệ thuật đối nhân xử thế của người Nhật | Tác giả Erin Niimi Longhurt

Omoiyari của tác giả Erin Niimi Longhurt (đồng sáng tác của Japonisme – Những điều rất Nhật Bản) là một cuốn sách rất phù hợp để đọc vào những ngày đầu xuân. Nếu Japonisme giúp ta khám phá về những điều đẹp đẽ của đất nước Nhận Bản, thì Omoiyari giúp ta hiểu thêm về con người và cách người Nhật quan tâm đến bản thân cùng những người xung quanh.

Với Omoiyari – Nghệ thuật đối nhân xử thế của người Nhật, tác giả muốn chúng ta suy ngẫm nhiều hơn về lòng trắc ẩn. Cách để tạo nên niềm vui cho cuộc sống của chính mình bằng việc mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của người khác. Tác giả còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc yêu quý bản thân, khuyến khích với chúng ta rằng hãy tử tế với chính mình. Omoiyairi là một văn hóa của người Nhật, rất khó để giải nghĩa, nhưng hàm chứa bên trong đó miêu tả tính “từ bi” trong mỗi người dân Nhật Bản. Cách mà người Nhật đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác và dựa vào quan điểm của đối phương để dự đoán nhu cầu của họ, từ đó hành xử sao cho đối phương cảm thấy thư thái, hạnh phúc hay dễ chịu.

Vì sao Lym lại nghĩ rằng Omoiyari lại rất thích hợp đọc vào mùa Xuân? Vì ngoài nghệ thuật đối nhân xử thế, tác giả còn kể cho chúng ta về những điều vô cùng quan trọng trong văn hóa Nhật Bản mà theo Lym là rất phù hợp vào những ngày đầu xuân. Ở Nhật Bản có một từ – Kirei- để chỉ sự sạch sẽ và xinh đẹp. Một ngôi nhà sạch sẽ theo đúng nghĩa Kirei là điều vô cùng cần thiết khi bước vào năm mới. Tác giả đã chỉ cho chúng ta về Osouji – một thông lệ diễn ra hàng năm, mọi người sẽ thực hiện dọn dẹp nhà cửa toàn diện để chuẩn bị đón năm mới. Ngoài văn hóa Kirei, bạn sẽ được biết thêm về nghệ thuật gói quà của người Nhật. Ta sẽ thấy được việc tặng quà là một điều mà họ đánh giá rất cao, điều đó thể hiện sự tôn trọng đối với người nhận món quà. Đó là những điều mới mẽ và độc đáo, tạo nên nét riêng của Omoiyari, văn hóa của người Nhât mà chúng ta có thể tìm hiểu và áp dụng vào cuộc sống trong những ngày đầu năm mới.

Hạnh phúc trong công việc – Ứng dụng tâm lý học tích cực nâng cao hiệu suất và thúc đẩy thành công | Tác giả Shawn Achor

Nếu làm việc chăm chỉ, bạn sẽ thành công, và một khi thành công, bạn sẽ hạnh phúc. Hạnh phúc trong công việc – cuốn sách giúp chúng ta tậm dụng lợi thế của hạnh phúc vào công việc và cuộc sống. Thay cho lối suy nghĩ hạnh phúc là kết quả của sự thành công, tác giả đã chứng minh điều ngược lại. Hạnh phúc cũng như sự lạc quan thực sự thúc đẩy hiệu suất và thành tích, cho chúng ta lợi thế về cạnh tranh mà tác giả Shawn Achor gọi nó là Lợi thế của hạnh phúc. Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng và nghiên cứu thực tế tuyệt vời về lợi thế của hạnh phúc mang lại thành công trong công việc như thế nào. Khi ta hạnh phúc và có suy nghĩ tích cực, mọi việc ta làm sẽ trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn. Tác giả còn đề cập đến những ví dụ thực tế khi hạnh phúc là điềm báo cũng như điều kiện tất yếu để dẫn đến hiệu suất cao trong tất cả các lĩnh vực khác nhau từ kinh tế đến y khoa, từ các doanh nghiệp lớn cho đến các trường đại học danh tiếng. Cuốn sách còn giúp chúng ta tiếp cận và thay đổi tư duy trong cách vận hành của não bộ về suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến kết quả đáng mong đợi như thế nào. Tác giả còn đưa ra 7 nguyên tắc về cách vận dụng hạnh phúc trong công việc rất bổ ích để tạo thành những thói quen tốt giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, tiến lên phía trước với tâm thế vững vàng nhất.

Cuốn sách này rất thích hợp đọc vào những ngày đầu năm mới, giúp ta có thêm động lực, chăm chỉ và quyết tâm trong công việc hơn. Hãy chuẩn bị cho mình một năm mới tràn đầy sự tích cực cùng với một lối tư duy hạnh phúc để có thể vượt qua mọi thử thách vào khó khăn phía trước.

Xem gì để thư giãn vào đầu xuân

Komi – Nữ thần sợ giao tiếp | Komi-san wa, comyushou desu

Phim đầu tiên nhà Lym muốn giới thiệu đến mọi người là một bộ anime được chuyển thể từ manga cùng tên Komi-san wa, comyushou desu (Komi – Nữ thần sợ giao tiếp) được chấm bút và minh họa bởi tác giả Oda Tomohito. Nội dung kể về cô bạn nữ sinh Komi Shoko vào ngày đầu tiên nhập học ở trường Cao trung Tư thục Itan danh tiếng đã lập tức nhận được sự chú ý từ mọi người bởi ngoại hình xinh đẹp và sự lịch thiệp tao nhã. Tuy nhiên Tadano Hitohito, một cậu học sinh cao trung hết sức bình thường được xếp chỗ ngồi kế bên cô ấy, nhận ra rằng phía sau dáng vẻ quý phái đó, Komi lại mắc hội chứng sợ giao tiếp, không biết làm sao để nói chuyện và không thể kết bạn được với bất kì ai. Từ đó, Tadano quyết định đặt ra kế hoạch giúp Komi có được 100 người bạn, trong đó cậu chính là người bạn đầu tiên của Komi sẽ giúp cô kiếm thêm 99 người bạn nữa.

Anime Komi – Nữ thần sợ giao tiếp đã khắc họa được sự đẹp đẽ của tình bạn qua những tình huống dỡ khóc dỡ cười trong hành trình Tadano giúp cô bạn mà mình yêu mến Komi hòa nhập với mọi người xung quanh. Cùng với sự dễ thương và ngây thơ của Komi và câu chuyện tìm kiếm 100 người bạn của cô bạn, ta có thể bắt gặp hình ảnh của chính bản thân mình thời cấp sách đến trường qua các nhân vật trong phim. Đây sẽ là một bộ anime rất phù hợp vào những dịp nghỉ lễ, đặc biệt vào những ngày đầu xuân, thời gian thích hợp để lưu giữ và nhớ lại những kỷ niệm đẹp đã qua.

Gudetama – Cuộc phiêu lưu của quả trứng lười

Nếu các bạn yêu thích các nhân vật của thế giới Nhật Bản thì chắc chắn sẽ sẽ biết đến nhân vật quả trứng lười Gudetama. Gudetama được kết hợp từ 2 chữ tiếng Nhật là gude gude có nghĩa là uể oải và tamago nghĩa là trứng. Gudetama là một quả trứng lười biếng, luôn trong trạng thái thiếu sức sống, mệt mỏi và trì trệ.  Ý tưởng về Gudetama xuất hiện vào một ngày khi mà Amy (Emi Nagashima) – một người phụ nữ đang ăn món trứng sống. Khi chị đập vỡ trứng cho vào chén, trong đầu bỗng dưng xuất hiện hình ảnh một quả trứng rũ rượi, trơn tuột. Từ ý tưởng này đã tạo tiền đề cho xưởng phim hoạt hình Sanrio tạo ra nhân vật Quả trứng lười Gudetama.

Gudetama – Cuộc phiêu lưu của quả trứng lười là series tiết lộ về sự ra đời của Gudetama – là kết quả từ một quả trứng rơi vỡ trong nhà hàng. Trứng lười sinh ra vốn dĩ đã luôn chán chường, đang yên lành với thực tại thì bỗng dưng bị đeo bám bởi Shakipiyo – chú gà con mới nở còn đeo bỉm (vốn là mảnh vỏ trứng). Thấy chú gà nhỏ quá tha thiết muốn tìm gà mẹ, Gudetama đành để Shakipiyo kéo mình đi khắp nơi, bắt đầu chuyến hành trình bất đắt dĩ cùng với chú gà đi tìm người mẹ đã sinh ra chúng. Trong phim ta sẽ được gặp rất nhiều hình dạng của Gudetama qua các món ăn làm từ trứng và mỗi loại lại có những tính cách khác nhau. Gudetama được đón nhận nồng nhiệt vì đây là nhân vật xây dựng ngược lại với văn hoá Nhật Bản – đề cao làm việc hết mình và sự tỉ mỉ chăm chút. Việc xuất hiện một nhân vật luôn thờ ơ, hờ hững với mọi thứ như nhắc nhở mọi người trên thế giới rằng: việc được thả lỏng và cho phép mình lười biếng như Gudetama cũng là một niềm hạnh phúc. Đây chắc chắn sẽ là một series giải trí thú vị và ý nghĩa vào những ngày đầu năm mới.

Makanai: đầu bếp nhà Maiko

Makanai: Đầu bếp nhà Maiko (The Makanai: Cooking for the Maiko house) là một series live-action được chuyển thể từ bộ truyện tranh ăn khách của Nhật Bản Kiyo in Kyoto. Câu chuyện lấy bối cảnh tại Gion, cố đô Kyoto, nơi phần lớn các geisha Nhật Bản sinh sống và làm việc. Nhân vật chính trong series là đôi bạn thân Kiyo Nozuki và Sumire Herai. Bước sang tuổi 16, họ quyết định rời xa gia đình, cùng nhau chuyển từ quê nhà Aomori đến Kyoto để theo đuổi ước mơ trở thành maiko (geisha tập sự). Trong khi Sumire nhanh chóng làm quen và thành thục các bài học cũng như quy tắc ứng xử để sẵn sàng trở thành một maiko thì Kiyo lại thể hiện sự lúng túng và vụng về, không có chí còn tiến trong quá trình học tập. Nhưng nhờ khả năng nấu nướng xuất chúng và bản tính hòa nhã và khéo léo, Kiyo được các “mẹ” quản lý giữ lại để làm đầu bếp, trở thành Makanai – người cấp dưỡng cho ngôi nhà Maiko.

Makanai: Đầu bếp nhà Maiko cho chúng ta cái nhìn đúng đắng hơn về cuộc sống và công việc của một geisha. Bên dưới những trang phục yukata lộng lẫy, lớp trang điểm mỹ lệ và kỹ nghệ điêu luyện của một maiko hay geisha vẫn là tâm hồn của một con người với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố và những khiếm khuyết cũng như những điều trăng trở và chông chênh trong cuộc sống. Nhà Maiko dưới sự quản lý của hai “mẹ” Azusa và Chiyo không mang bản chất của một lò luyện geisha. Nơi đây được khắc họa như một gia đình ấm cúng, luôn đầy ắp tình thương và sự cảm thông, chia sẻ. Từng nhân vật trong đại gia đình Maiko được tạo nên một cách rất chân thật, có những hoài bảo và nổi trăn trở của riêng mình. Điều làm nên sự đẹp đẽ và thành công của series chính là các món ăn đặt trưng của Nhật Bản mà Kiyo đã nấu với tất cả tấm lòng dành cho các thành viên trong gia đình nhà Maiko. Trong tất cả các món ăn, nhà Lym ấn tượng nhất với món Nasu no Nimono (cà tím rim), đó mặc dù là một món ăn đơn giản, bình dị nhưng lại khiến người thưởng thức nó hoài niệm lại hương vị của tuổi thơ, mỹ vị của gia đình. Đây cũng là tập cảm động về người cha lo lắng cho con gái mà ông yêu thương hết mình, nhờ món cà tím của Kiyo mà cha của Sumire đã cảm thông và quyết định ủng hộ con gái mình trở thành maiko. Mỗi tập là một món ăn, hàm chứa những ý nghĩa tuyệt đẹp cùng với những tình yêu thương mà các thành viên nhà Maiko đã dành cho nhau. Cách cảnh quay cùng với màu phim nhẹ nhàng và đẹp đẽ đã tạo ấn tượng không nhỏ cho người xem. Cách sắp xếp các tập theo thứ tự Hạ – Thu – Đông – Xuân đầy đủ bốn mùa tạo nên một mạch phim tròn đầy cho Makanai: Đầu bếp nhà Maiko. Đặc biệt là cảnh tuyết rơi đầu mùa Xuân tuyệt đẹp và thơ mọng vào tập cuối của series. Đây chắc chắn là series phim đáng xem nhất cho những ngày đầu xuân để cảm nhận được tình bạn gắn kết và tình thân gia đình ấm áp.

Những điều thú vị về mùa Xuân

Sự tích hoa đào miền Bắc và hoa mai miền Nam

Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào sum suê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng.  Vào thời điểm đó, quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh này. Vì vậy, ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là bỏ chạy xa bay. Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ. Sự tích về hoa đào cũng bắt nguồn từ đó.

Ngày xưa có một cô gái tên Mai con của một người thợ săn vốn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn, cô gái đã được cha đào luyện trở thành một nữ hiệp sĩ vô cùng tài giỏi và tinh thông võ thuật. Lúc ấy, có một con yêu tinh đến quấy phá một làng nọ, dân làng treo giải ai giết được yêu tinh sẽ được thưởng trọng hậu. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội và lan truyền khắp mọi nơi.

Không lâu sau đó, người cha lâm bệnh nặng và sức khỏe ngày một yếu đi. Lúc này, cô con gái thì đã bước qua tuổi mười tám, sức khỏe càng tăng lên gấp bội, võ thuật càng ngày càng tinh thông. Năm ấy yêu tinh rắn lại xuất hiện ở một vùng nọ và dân làng đến khẩn khoản hai cha con đi giết yêu tinh. Trước khi con gái lên đường, người mẹ may cho cô một bộ đồ gấm màu vàng rất đẹp và cô gái hứa ngày trở về sẽ mặc bộ đồ vàng ấy cho mẹ nhìn thấy cô từ xa. Sau đó hai cha con trèo non lội suối tìm cho ra yêu tinh để tiêu diệt nó. Tuy nhiên, người cha vì sức yếu nên không phụ giúp được gì để cô con gái một mình chống chọi với yêu tinh. Nhưng cuối cùng cô gái cũng giết được nó. Nhưng rủi thay, trước khi chết, con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và xiết chết cô gái.

Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái cũng như sự khóc lóc van nài của người mẹ tội nghiệp nên ông Táo trong nhà đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về với gia đình trong chín ngày. Thế là từ đó, cô gái được trở về nhà trong hình hài nguyên vẹn với gia đình trong chín ngày (từ 28 tháng Chạp cho đến mồng 6 Tết thì biến mất). Về sau khi cha mẹ và người thân của cô gái mất hết, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây hoa mọc bên ngôi miếu mà người dân đã lập nên để cúng bái cô. Thấy cây hoa lạ mọc lên bên miếu và cứ trổ hoa vàng suốt chín ngày Tết nên dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy là cây hoa mai và chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ Tết đến xuân về.

Nguồn: VTC News, Go Travel

Bao lì xì màu đỏ

Lì xì cùng cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh, bánh tét… vốn là những điều không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn mà ta có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới. Ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị của đồng tiền mà là mừng tuổi trẻ em, mong ước những điều tốt đẹp đến với con cháu, còn người lớn tuổi thì luôn luôn khỏe mạnh để có thể bên con cháu thật lâu. Ngày nay, mọi lứa tuổi đều có thể được nhận lì xì để lấy lộc may mắn.

Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.

Nguồn: VTC News, VN Express

Bên trên là những điều nhà Lym muốn chia sẻ với mọi người để có những ngày đầu xuân thư giãn và vui vẻ bên bạn bè và người thân. Những ngày đầu xuân là dịp để chúng ta tìm hiểu về những cái mới, hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp đã qua. Lym mong sao những chia sẻ của mình có thể giúp mọi người có một năm mới thú vị và có thêm nhiều niềm vui hơn.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *