Vào một ngày đẹp trời, mình không còn phải suy nghĩ về những điều trăn trở trong công việc và cuộc sống, nhưng mình luôn có cảm giác gì đấy rất khò chịu khi ai đó nhận xét mình rằng: ” Em có công việc ổn định đấy”, “cô nàng thành đạt ơi”, “em thật giỏi”, “em làm hình này đẹp đấy”,… Mình lại cảm thấy những gì mình làm không hề tốt, cảm giác bản thân không đạt được kì vọng và không xứng với lời khen của mọi người xung quanh. Đó là lúc mình đã đi tìm cảm giác khó chịu và tự ti đó là gì. Và mình phát hiện ra, mình đã rơi vào vòng luẩn quẩn của Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome).
Luôn có một tiếng nói văng vẳng trong mình thì thầm “mày không giỏi như lời đồn đâu”, “mày chắc rằng mình xứng với phần thưởng này chứ” vào mỗi khi có ai đó nhận xét tốt về mình. Biết khả năng của mình tới đâu để quản lí và phát triển bản thân là rất tốt, nhưng khi ta bắt đầu cảm thấy tự ti về bản thân mình thì rất dễ dẫn đến nhiều sai lầm và đáng giá sai về bản thân.
Vậy hội chứng “Kẻ mạo danh” là gì?
Trong bài viết này, mình không muốn đề cập đến những định nghĩa khoa học hay những khái niệm chuyên sâu, mình chỉ muốn nói lên cách hiểu và quan điểm cá nhân của riêng mình.
Nếu bạn có cảm giác khi đạt được một thứ gì đó, nhưng luôn lo sợ việc người khác nói mình không xứng đáng hoặc nghĩ mình không có tài cán gì ? Bạn thử đoán xem? Không chỉ có bạn mới có suy nghĩ đó. Tất cả mọi người sẽ có lúc cảm thấy lo lắng và mệt mỏi với những suy nghĩ tiêu cực như bạn mà thôi. Đó là lúc ta hoài nghi về những gì ta đang có và nỗi sợ người khác không ưa mình. Đó là biểu hiện của Hội chứng kẻ mạo danh. Khi “Kẻ mạo danh” lên tiếng, xin chia buồn là bạn sẽ không thể thóat khỏi nó được đâu. Hội chứng kẻ mạo danh là tiếng nói của lòng tự ti trong mỗi chúng ta.
Nguyên nhân xuất hiện tiếng nói “Kẻ mạo danh” trong chúng ta
Một tin xấu đây, hội chứng kẻ mạo danh chắc chắn sẽ gắn bó với chúng ta trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp. Đó là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi ta làm việc trong moi trường sáng tạo. Với nhiều áp lực về việc phải tạo nên một ý tưởng/dự án mới và hoàn hảo để thể hiện dấu ấn tuyệt vời với mọi người. Bạn không chắc dự án ấy có khả thi hay không, nhưng ta phải trình bày nó trước người khác rằng nó tuyệt vời và hoàn thiện như thế nào. Khi ta không nắm được khả năng của sự thành công trong công việc, “kẻ mạo danh” sẽ lên tiếng và đầy đọa bạn. Chạy theo sự hoàn hảo là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự xuất hiện của “kẻ mạo danh”.
Ngoài ra, còn nhiều những tác nhân khác nhau dẫn đến hội chứng kẻ mạo danh. Mình sẽ liệt kê một số tác nhân phụ mà chúng ta cần lưu ý đến để biết về sự xuất hiện của “kẻ mạo danh”:
1| Các tác nhân về mặt tâm lý
Một yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta đó là nỗi sợ về mặt tâm lý. Nói một cách đơn giản, khi ta đối mặt với những tình huống gây áp lực bắt ta phải thể hiện bản thân một cách xuất sắc, nỗi lo sợ mọi người sẽ phát hiện ra mình là kẻ kém cỏi bắt đầu xuất hiện. Nhưng trên thực tế, bạn đã làm tốt hơn những gì bạn nghĩ. Đó là khi sự tự ti về bản thân của bạn đã trổi dậy. Nó là ảnh hưởng của tâm lý thức tỉnh “kẻ mạo danh” trong bạn, kẻ đó nói rằng “bạn quá kém cỏi”, không đạt được kì vọng bạn đã đặt ra trước đó.
2| Những lời nhận xét của mọi người xung quanh
Khi bạn bắt đầu để ý đến những lời bàn tán của những người xung quanh về bản thân bạn, bạn tò mò không biết họ đang nghĩ gì về mình. vì theo lẽ thường, nếu là một lời khen, họ sẽ nói ra trước mặt bạn để tán thưởng cho những việc làm xuất sắc của bạn. Nhưng khi bạn nhìn thấy ai đó đang nói về bạn với người khác, suy nghĩ đầu tiên của bạn là họ đang nói xấu mình. Và hãy tin mình đi, không chỉ có mình bạn suy nghĩ như vậy đâu, ai cũng có những ý nghĩ tiêu cực khi thấy mọi người xung quanh bàn tán về mình. Chú ý đến nhận xét của những người xung quanh cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của “kẻ mạo danh”.
3| Môi trường sống và làm việc
Môi trường xunh quanh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lí và tư duy của chúng ta. Dưới một môi trường sống đè nặng về thành tích, tin buồn rằng, bạn chắc chắn sẽ phải gánh chịu hội chứng kẻ mạo danh. Hậu quà là, bạn sợ việc mình sẽ thất bại. Từ đó, bạn sẽ trở nên tự ti về bản thân và rụt rè, không dám bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Môi trường làm việc căng thẳng, luôn bị thúc giục phải làm nhanh hơn, dự án này phải tốt hơn dự án trước, luôn cố gắng vắt kiệt sức của bạn. Đây là môi trường tìm ẩn nhiều nguy cơ cho các rối loạn về tâm lí, đặc biệt là một thời cơ tốt để “kẻ mạo danh” lên tiếng.
4| Tự đặt gánh nặng về trách nhiệm trên đôi vai mình
Trong thời đại phát triển như hiện nay, việc chạy theo thành tích là một hiện thực hiển nhiên. Việc mình tự so sánh (bị so sánh) bản thân với người khác, nhất là thế hệ đồng trang lứa, là việc không thể tránh khỏi. Đó là lúc có hòn đá mang tên “gánh nặng” đang đè lên đôi vai của chúng ta. Thành tích học tập nổi trội khi còn nhỏ cũng có thể khiến bạn mắc phải hội chứng kẻ mạo danh khi lớn lên. Có thể khi còn ngồi ở ghế nhà trường, bạn không gặp nhiều khó khăn. Bạn dễ dàng nhận được nhiều lời khen từ giáo viên và bố mẹ bởi thành tích học tốt. Nhưng khi lớn lên, ra ngoài xã hội, bạn gặp nhiều người giỏi hơn bạn và bạn bị hụt hẫng khi một công ty nào đó từ chối bạn cho dù thành tích học tập của bạn từ trước đến giờ đều rất tốt. Từ đó, bạn hoài nghi về năng lực bản thân, dè chừng trong giao tiếp và nghi ngờ những gì mình đang có. Trong khi đám bạn đồng trang lứa đã có công việc và gia đình đầy đủ, bạn thì vẫn chật vật với những dự định tương lai. Bạn sẽ tự mình đặt trách nhiệm lên bản thân là phải bằng bạn bằng bè. Chạy theo những con đường của người khác sẽ không giúp ích được gì cho bản thân bạn đâu, chỉ tổ gánh thêm bạn đồng hành “kẻ mạo danh” trên vai mà thôi.
Cách khắc phục và những điều mình đã nghĩ về người bạn “mạo danh” ấy
Dù bạn có nhận ra hay không, khi bạn đã mắc hội chứng kẻ mạo danh, bạn nên thừa nhận rằng, có thể bạn thật sự giỏi những gì bạn đang làm. Vì sao lại như vậy. Sự thật rồi những ai thờ ơ và kẻm cỏi sẽ chẳng bao giờ suy nghĩ việc này mình làm đã tốt hay chưa, mình đã thật sự cố gắng chứ hay liệu mọi người có thích đề xuất của mình hay không. đơn giản là vì, đó là thứ ảnh hưởng đến những người giỏi trong việc của họ và họ quan tâm đến công việc mình đang làm. Việc ta có ý thức đánh giá khả năng thành công của một công việc mình đang làm thường là điều thật sự đúng đắn, vì vậy, đừng quá lo lắng bạn nhé! Mình không thể tránh khỏi ” kẻ mạo danh” lướt qua cuộc đời và sự nghiệp, nhưng có một số lời khuyên về việc chấp nhận “thỏa hiệp và chung sống hòa bình” với nó.
1| Chuẩn bị kỹ hơn mức cần thiết
Điều này khác với việc cố gắng chạy theo sự hoàn hảo. Khi bạn làm một công việc mới hay có một buổi thuyết trình quan trọng, dành nhiều thời gian để chuẩn bị kỹ càng hơn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều và tránh lo âu. Bạn có thể sử dụng thời gian rảnh để xem lại những gì mình đã chuẩn bị và ghi chú rõ ràng trước khi trình bày ý tưởng mới trước công chúng. Việc chuẩn bị sớm và kỹ càng mọi thứ sẽ giúp bạn tự tin và bình tĩnh hơn.
2| Hiểu rõ hơn về khả năng của bản thân
Hãy liệt kê những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Hiểu rõ về khả năng bản thân sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn và xử lí tình huống một cách tốt nhất. Đừng cố bắt người khác hiểu được mình, mình hãy tìm hiểu hết bản thân mình trước đã.
3| Chia sẻ cảm xúc của bạn
Hội chứng kẻ mạo danh sẽ càng mạnh mẽ hơn nếu bạn cứ cố che giấu nó. Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn với một ai đó mà bạn tin tưởng, ai đó khiến bạn không sợ phải phơi bày bản thân mình với họ. Người đó có thể giúp bạn có cái nhìn mới hơn về bản thân mình, điều mà bạn chẳng thể nhận ra khi ở một mình. Bạn sẽ có những suy nghĩ tích cực hơn khi tâm sự với đúng người mà bạn cần.
4| Cứ bắt đầu đi, đừng sợ
Hiệu quả không dựa trên kết quả cuối cùng, mà được liên kết bởi cả một quá trình. Để trải qua quá trình đó, bạn phải thật sự khởi động và bước những bước đi đầu tiên trước đã. Hãy bắt đầu với một mục tiêu đơn giản nhất, đừng lo lắng, nó hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn, cho dù kết quả cuối cùng có khi không thể giống như những gì mình tưởng tượng lúc đầu. Nhưng bạn đã làm rất tốt, vì bạn đã tạo nên cả một quá trình đầy thành công và đáng mong đợi.
5| Làm những việc sáng tạo mỗi ngày
Mình chưa từng nghĩ rằng mình sẽ viết lách như thế này mỗi ngày. Với nhiều chủ để khác nhau, mỗi ngày là một câu chuyện mới để mình tìm hiểu và khám phá. Đây cũng là cách để bày tỏ những điều mình thật sự quan tâm và khẳng định mình là ai, mình thích gì, mình giỏi gì, mình quan tâm những gì. Hãy trở thành một nghệ sĩ, sáng tạo mỗi ngày, bạn sẽ thấy bản thân mình chứa thật nhiều điều tuyệt vời mà mình chưa khám phá hết. Hãy sáng tạo như cách chúng ta tạo nên bản sắc của riêng mình.
6| Đừng trói buộc bản thân
Đừng ép buộc bản thân làm những việc không đúng sở trường của bạn. Việc vượt qua hội chứng kẻ mạo danh không hề dễ dàng. Vì vậy, đừng quá bận tâm đến nó. Đừng trói buộc bản thân với việc phải vượt qua người khác, hãy bước tiếp trên những mục tiêu đúng sở trường và năng lực của bạn. Để rồi bạn nhận ra “kẻ mạo danh” không hề đáng sợ như bạn nghĩ.
7| Đừng so sánh bản thân với người khác
Bất cứ lúc nào bạn so sánh bản thân với người khác, bạn luôn cảm thấy mình kém cỏi và không thể với tới họ. Thay vì so sánh, bạn thử lắng nghe ý kiến của người đó. Từ những chia sẻ của họ, bạn có thể học được những điều mới. Nhưng hãy bước đi trên con đường của chính mình, đừng chạy theo lý tưởng của người khác.
8| Ghi nhận lại những việc tốt mình đã làm
Ghi lại một danh sách các việc tốt mà bạn đã làm, hay có dự án thành công mà bạn được khen thưởng. Hãy nghĩ đến danh sách này mỗi khi cần, những lúc bạn cảm thấy tự ti về bản thân. Bạn sẽ cảm thấy mình xứng đáng với những lời khen và có động lực để cố gắng hơn trong tương lai.
Bên trên là những suy nghĩ củ Lym về tiếng nói “kẻ mạo danh” trong mỗi chúng ta. Trên con đường sự nghiệp, chắc chắn rằng bạn sẽ luôn gặp những người giỏi hơn bạn và giàu kinh nghiệm hơn bạn. Đừng lo lắng, vượt qua vùng an toàn của bản thân là cách để bạn trải nghiệm nhiều điều thú vị hơn – những việc bạn không thể nhận ra khi chỉ có một mình. Hãy suy nghĩ tích cực lên vì có thể bạn giỏi hơn những gì bạn nghĩ đấy.
Nguồn tham khảo:
1/ Cẩm nang Tuyệt Mật | SÁCH ĐEN – tác giả Otagha Uwagba – NXB Bloom Books
Chương 10: Làm chủ nơi làm việc
2/ Ta giấu sáng tạo ở đâu? THE PRACTICE – tác giả Seth Godin – NXB RIO Book
22. Tôi thấy mình như kẻ mạo danh
3/ Doctor Anywhere:
https://doctoranywhere.vn/blogs/cam-nang/hoi-chung-ke-mao-danh-co-phai-ly-do-khien-ban-luon-tu-ti